12-07-2013 23:51
Tờ bạc VN Dân chủ cộng hòa in tại Nam bộ năm 1948
Ông Trần Dương, nguyên phó giám đốc Ngân hàng Nhân dân Nam bộ, nhớ lại: giấy bạc Cụ Hồ ra đời, nhờ vậy mà đời sống kinh tế 10 triệu dân trong vùng kháng chiến ngày càng ổn định.
Không chỉ vậy, người dân ở các vùng bị địch chiếm đóng vẫn lưu hành, sử dụng giấy bạc Cụ Hồ. Nhiều người ngày ấy hay dặn dò nhau: “Người VN tiêu tiền VN, dù rách nát cũng xài, miễn còn hình của Bác là được!”.
Sức sống của đồng tiền kháng chiến
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, nguyên phó ban B - “Ban trồng tỉa số 10”, ngay khi cho lưu hành, đồng tiền kháng chiến không chỉ được sử dụng ở những vùng tự do mà còn dùng ở cả vùng địch chiếm đóng và lan ra cả vùng ven Sài Gòn - Gia Định. Người dân Nam bộ phấn khởi, cầm trong tay tờ bạc Cụ Hồ mà rưng rưng nước mắt, thốt lên trong niềm xúc động: “Trời ơi, bạc Cụ Hồ, bạc thống nhất bà con ơi...”.
Tuy chưa phải là đồng tiền thống nhất của cả nước VN, giấy bạc được in riêng tại Nam bộ nhưng vẫn có hình ảnh Cụ Hồ rất đẹp, một bên là anh du kích cầm súng, còn mặt trái in hình người nông dân… Người dân Nam bộ hiểu đơn giản đó là tiền của ta, là thể diện, là bộ mặt của quốc gia nên đã đặt cho đồng tiền cách mạng một cái tên hết sức thân thương và gần gũi: bạc tài chính Cụ Hồ!
Đặc điểm tiền tệ ở Nam bộ trong thời kỳ này là song song với việc lưu hành các loại giấy bạc 1 đồng, 5 đồng, 20 đồng do “Ban trồng tỉa số 10” in, còn có các phiếu tiếp tế, phiếu đổi chác, tín phiếu các loại 5 cắc, 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng. Các loại tiền tệ này do ủy ban kháng chiến các tỉnh như Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ... tự in, tự sáng tác mẫu nên chỉ được phép lưu hành trong tỉnh.
Thời điểm này, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ không in đủ tiền để phát hành cho các tỉnh và chiến trường chia cắt, không thể chuyển tiền đi khắp nơi nên ủy ban cho phép các tỉnh in loại bạc 1 đồng giống như kiểu 1 đồng của giấy bạc Nam bộ nhưng màu sắc do các tỉnh lựa chọn cho thích hợp với điều kiện từng địa phương.
Đầu những năm 1950 đã hình thành Ngân khố Nam bộ lúc đầu do ông Nguyễn Thành Vĩnh làm giám đốc, sau là ông Trần Học Hải. Đến tháng 7-1953, Ngân hàng Nhân dân Nam bộ được thành lập, ông Trần Học Hải tiếp tục làm giám đốc. Tuy tên gọi khác nhau nhưng đều là cơ quan tổng phát hành, có hai nhiệm vụ: phục vụ kháng chiến và đấu tranh tiền tệ với địch.
Hai nhiệm vụ cụ thể đó là: phát hành giấy bạc VN theo kế hoạch của Chính phủ và thu hồi tiền Đông Dương ngân hàng để chi tiêu trong những vùng tiền VN chưa lưu hành, hoặc dùng tiền Đông Dương để mua về những thứ cần thiết cho sản xuất và kháng chiến.
Thời gian này công tác phát hành giấy bạc phải đương đầu với bao gian khó, phải dùng ghe xuồng len lỏi qua kênh rạch để vận chuyển giấy bạc Cụ Hồ đến tay nhân dân. Giấy bạc được đóng gói rồi bỏ vào thùng kẽm hàn lại, dùng bẹ dừa bện lại bọc bên ngoài, buộc thành những chiếc balô và trao cho các chiến sĩ vệ quốc chuyển về các nơi. “Ngân hàng” ngày ấy chỉ là những nhà vách ván lợp lá, có nơi là lá dừa nước, còn tiền giấy được để trong thùng gỗ khử mọt, chất đầy cả kho nhưng an toàn tuyệt đối.
Phiếu tiếp tế tỉnh Bến Tre |
Tại Nam bộ khi đó còn lưu hành một số bạc tài chính VN từ các tỉnh miền Trung đưa vào, một số bạc Đông Dương vào theo đường mua bán của tư thương giữa các vùng giáp ranh. Có những lúc bạc kháng chiến chưa in kịp, còn ít thì ta đóng dấu Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ lên các tờ bạc 1 đồng, 20 đồng đến 100 đồng bạc Đông Dương làm phương tiện trao đổi thay thế “giấy bạc Cụ Hồ”.
Thậm chí khi thiếu tiền lẻ, người dân xé đôi tờ bạc trả cho nhau. Đồng tiền “đi ra, đi vào” trong thế cài răng lược qua đường vận chuyển lương thực từ nông thôn ra thành thị, mà vùng nông thôn các tỉnh ĐBSCL là nơi cách mạng luôn có ưu thế. Đó là kho lúa gạo, nguồn tôm cá, than củi… mà dân thành phố phải dùng đến. Khi đó, Pháp muốn làm suy yếu kháng chiến nên cấm ngặt người dân trong khu vực do Việt Minh quản lý chở lúa gạo ra thành phố bán. Nhưng người Pháp lấy đâu ra lúa gạo để bán cho dân, nhất là người Hoa ở Chợ Lớn mất nguồn lúa gạo để xuất khẩu, sinh ra mâu thuẫn với Pháp.
Lực lượng Việt Minh đánh tiếng với Hoa kiều Chợ Lớn là ta có thể bán lúa gạo cho họ. Lập tức, họ tìm cách vô chiến khu gặp Sở Tài chính để thương lượng giá cả, cách mua bán và hối đoái cụ thể. Ít ai ngờ rằng vào thời điểm đó, nền kinh tế của bưng biền - vùng kháng chiến của Việt Minh - đã hình thành sáu “cửa khẩu” như Long Xuyên, Cái Bè, Phụng Hiệp... chuyên bán lúa gạo, lâm sản cho người Hoa ở Chợ Lớn với hối đoái 1 đồng Đông Dương ngân hàng ăn 30-35 đồng bạc Cụ Hồ hoặc 1 giạ lúa.
Sáu “cửa khẩu” ấy, mỗi nơi chỉ có hai người chở một ghe tam bản tiền VN của chính quyền cách mạng đến nhờ nhà dân làm trạm. Đồng bào chở lúa gạo ra thành bán, khi trở về ghé lại trạm đổi tiền Đông Dương ngân hàng lấy giấy bạc Cụ Hồ để tiêu xài. Khi nào cần ra “thành” mua bán thì họ lại đổi tiền Đông Dương ngân hàng với tỉ giá hối đoái rất sòng phẳng. Còn hai người chở tiền Đông Dương ngân hàng từ cửa khẩu về giao cho kho bạc Sở Tài chính.
Cách mạng lúc ấy rất cần tiền Đông Dương ngân hàng để mua sắm máy móc, vũ khí, thuốc nổ, lập nhà in, bệnh viện… Từng bước các cơ quan thuế, tín dụng, cơ quan hối đoái cũng được hình thành… Nền kinh tế trong chiến khu ngày ấy rất sôi động…
Nhiệm vụ cuối cùng của “Ban trồng tỉa số 10”!
Tờ bạc Đông Dương được đóng dấu "Ủy ban Kháng chiến Sóc Trăng" |
Trước tình hình đồng tiền kháng chiến Nam bộ ngày càng chiếm ưu thế, Pháp quyết tâm đánh phá để giấy bạc Cụ Hồ không còn chỗ đứng ở vùng giáp ranh. Từ năm 1949 trở đi, Việt Minh khi đã phát hành ổn định đồng tiền kháng chiến cũng bắt đầu tấn công quân Pháp dữ dội hơn.
Các chiến dịch Cầu Kè - Trà Vinh, Long Châu Hà, Sóc Trăng... ngoài ý nghĩa tiêu diệt lực lượng quân sự địch còn nhằm tạo cơ sở để đồng tiền Cụ Hồ tràn ra mạnh hơn ở các vùng địch. Lính Pháp ngày đó ngoài việc càn quét, bắn giết còn được giao nhiệm vụ tìm kiếm, thu gom tiền kháng chiến để tiêu hủy, làm người dân trong vùng địch chiếm gặp nhiều khó khăn.
Càng truy quét, tiêu hủy, người dân vùng tạm chiếm càng bí mật tiêu tiền giấy bạc Cụ Hồ nhiều hơn. Địch tuyên truyền, chê bai bạc VN không có giá trị, xấu, dễ rách nát. Người dân Nam bộ dù ở vùng nào cũng vẫn cứ tiêu xài tiền Cụ Hồ với một lòng chung thủy: “Còn một sợi râu của Cụ Hồ trên giấy bạc là còn tiêu được…!”.
Đồng tiền Cụ Hồ ở Nam bộ ngày càng có uy tín và tỉ giá ngày càng có lợi cho ta. Từ 1 đồng Đông Dương ngân hàng ăn 40 đồng sau xuống còn 30 đồng. Ngân hàng Nhân dân Nam bộ thu được nhiều tiền Đông Dương ngân hàng nên nền kinh tế ổn định và chủ động đối phó được với những thiệt hại do Pháp gây ra. Từ đồng tiền kháng chiến này mà cả vùng ĐBSCL đã huy động được hàng chục triệu tiền Đông Dương ngân hàng đóng vô thùng kẽm chuyển ra tiếp tế cho miền Đông trong trận lụt lớn năm 1952.
Đầu năm 1954, Nam bộ chủ trương in và phát hành thêm loại giấy bạc 200 đồng và 500 đồng, nhưng khi giấy bạc 200 đồng đã in xong thì cuộc kháng chiến chống Pháp toàn thắng. Hiệp định Genève (20-7-1954) được ký kết khi loại bạc 500 đồng đang còn trên bản vẽ. Nhiệm vụ của “Ban trồng tỉa số 10” - cơ quan ấn loát đặc biệt Nam bộ - cũng hoàn thành và kết thúc hoạt động vào tháng 11-1954. Số giấy bạc Cụ Hồ được in ở Nam bộ lưu hành trong dân cho đến thời điểm này khoảng 3,6 tỉ đồng.
Để chuẩn bị cho bộ đội, cán bộ kháng chiến tập kết ra Bắc chờ hiệp thương thống nhất đất nước, đã có thông báo rộng rãi trong nhân dân là sẽ đổi giấy bạc Cụ Hồ ra giấy bạc Đông Dương để bà con ở lại tiêu xài nhưng nhiều người không chịu đổi hết mà giữ lại khá nhiều như để giữ lấy một hình ảnh thiêng liêng.
Ông Nguyễn Văn Hùng nhớ lại: “Sau này ông Nguyễn Thành Vĩnh ra Bắc, Bác Hồ có hỏi là Nam bộ có đổi tiền đúng tỉ giá cho đồng bào không? Ông Vĩnh thưa là có, nhưng vẫn còn 600 triệu đồng bà con muốn giữ lại làm kỷ niệm với hình ảnh của Bác. Bác xúc động lau nước mắt và nói: “Đồng bào miền Nam tốt quá... tốt quá!”.
CÁC BÀI MỚI HƠN
CÁC BÀI CŨ HƠN
125 Yên Lạc, Hai Bà Trưng, Hà Nội